I. NGHỊ ĐỊNH 135/2020/NĐ-CP
Thay đổi độ tuổi nghỉ hưu của người lao động kể từ ngày 01/01/2021
Nghị định số 135/2020/NĐ-CP (“Nghị định 135”) do Chính Phủ ban hành ngày 18/11/2020 hướng dẫn quy định của Bộ luật lao động 2019 về tuổi nghỉ hưu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Theo Bộ luật lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động (“NLĐ”) trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình: (i) đạt 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028; (ii) và đạt 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Cụ thể hóa nội dung này, theo Nghị định 135 quy định, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 03 tháng và tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55 tuổi 04 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đạt số tuổi như trên.
Tuy nhiên, NLĐ có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không thấp hơn 05 tuổi) so với tuổi nghỉ hưu bình thường trong trường hợp: (i) NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; (ii) NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; v.v. Đồng thời, NLĐ cũng có quyền nghỉ hưu ở tuổi lao động cao hơn (không quá 05 tuổi) so với tuổi nghỉ hưu bình thường trong trường hợp NLĐ có trình độ chuyên môn cao mà có thỏa thuận với người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) được tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu.
Nhận thấy rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu là một vấn đề quan trọng có tác động đến kinh tế – xã hội sâu sắc.Việc tăng tuổi nghỉ hưu là quy định nhằm đón đầu thách thức già hóa dân số; giải quyết mục tiêu vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xã hội, vừa cân đối để đảm bảo công ăn việc làm, bảo toàn và phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới. Ngoài ra, việcđiều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần theo thời gian và được tiến hành theo lộ trình như trên cho thấy mục đích của Chính phủ là nhằm tránh gây sốc cho thị trường lao động hiện tại. Mỗi năm chỉ tăng thêm 03 tháng tuổi nghỉ hưu sẽ làm “dòng chảy” của thị trường lao động chậm lại chứ không bị “tắc nghẽn” do số lượng NLĐ vốn dĩ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định cũ lại tiếp tục làm việc thêm một năm. Đồng thời, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho xã hội, cho NLĐ cũng như NSDLĐ trong việc “thích nghi” với chế định có sự thay đổi đáng kể này.
II. NGHỊ ĐỊNH 145/2020/NĐ-CP
Hướng dẫn một số quy định về điều kiện lao động và quan hệ lao động trong Bộ luật lao động 2019
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP (“Nghị định 145”) do Chính phủ ban hành ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động, có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.
1. Quy định thêm điều kiện ràng buộc khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù
Theo đó, một số ngành, nghề, công việc đặc thù như: thành viên tổ lái tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không, nhân viên điều độ, khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; v.v.
Đối với các ngành, nghề nêu trên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải tuân thủ thời hạn báo trước như sau:
- Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.
- Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Nhận thấy rằng, đây là quy định có lợi cho NSDLĐ hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực mang tính chất đặc thù. Chính vì mang tính chất đặc thù nên khi xảy ra trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, NSDLĐ sẽ có đủ thời gian để tìm kiếm người lao động khác thay thế.
2. Bổ sung thêm thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương
Nhằm gia tăng quyền quyền lợi của NLĐ, Nghị định 145 đã bổ sung những thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương, như:
- Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia vào lao động; mức lương sẽ do các bên thỏa thuận;
- Thời giờ mà NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 176 Bộ luật lao động 2019;
- Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
- V.v.
3. Gia tăng quyền lợi cho lao động nữ
Trên tinh thần của Bộ luật lao động năm 2019, Nghị định số 145 đã đưa ra một số quy định mới nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới như sau:
- Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ;
- Ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn;
- Tạo điều kiện để lao động nữ đang mang thai được nghỉ khám thai nhiều hơn 05 lần trong thời gian mang thai, mỗi lần nghỉ 01 ngày;
- Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ có quyền nghỉ hưởng lương mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Trường hợp NSDLĐ sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Mặc dù tính thực thi của những quy định trên đây còn phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp. Nhưng nhìnchung Nghị định 145 đã thể hiện một cách rõ nét tinh thần nhân đạo sâu sắc của pháp luật lao động với mục đích bảo vệ một cách đúng mức và hợp lý đối với quyền lợi chính đáng mà NLĐ nữ nên được hưởng tại nơi làm việc.
4. Thay đổi tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ đối với số ngày nghỉ hằng năm chưa sử dụng
Theo đó, tiền lương làm căn cứ trả cho NLĐ những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng NLĐ thôi việc, bị mất việc làm.
Quy định này hoàn toàn có lợi cho NLĐ so với quy định tương tự tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Theo Nghị định 05, tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ trong trường hợp trên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc, mất việc làm (nếu làm việc trên 06 tháng) hoặc tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc (nếu làm việc dưới 06 tháng).
5. Gia tăng trách nhiệm của các cơ quan ban ngành và NSDLĐ trong việc hỗ trợ NLĐ làm việc tại doanh nghiệp để hướng đến mục đích tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ làm việc. Theo đó, Nghị định 145 bổ sung quy định về tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo tại nơi nhiều lao động:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (“UBND tỉnh”) có trách nhiệm bố trí quỹ đất xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo nơi có nhiều lao động; hoặc tạo điều kiện thuận lợi về đất, vốn vay cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo để phục vụ cho NLĐ
- Khuyến khích NSDLĐ tổ chức, xây dựng hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho UBND tỉnh để xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
6. Ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ
- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
- Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới, phòng và chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quy định này vừa có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động, là biện pháp nhằm tăng tính thực thi các quy định nâng cao và bảo vệ quyền lợi của lao động nữ được nêu ở trên.
III. NGHỊ ĐỊNH 152/2020/NĐ-CP
Quy định mới về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Nghị định số 152/2020/NĐ-CP (“Nghị định 152”) do Chính Phủ ban hành ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.
1. Bổ sung quy định về gia hạn giấy phép lao động (“GPLĐ”) của NLĐ nước ngoài còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày
Vấn đề xin cấp GPLĐ luôn là vấn đề mà các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi thuê lao động nước ngoài. Một nội dung mà các doanh nghiệp cần chú ý trong Nghị định 152 là GPLĐ của NLĐ nước ngoài còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày sẽ không được cấp lại như quy định theo Nghị định 11/2016/NĐ-CP (“Nghị định 11”) mà sẽ được gia hạn theo quy định mới. Việc cấp lại GPLĐ còn thời hạn chỉ áp dụng cho các trường hợp GPLĐ bị mất; hỏng; thay đổi họ và lên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc. GPLĐ chỉ được gia hạn một lần và tối đa là 02 năm.
2. Thay đổi quy định về đối tượng người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam
Nghị định 152 cũng thay đổi một số định nghĩa đối với các đối tượng người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam như:
- Đối với NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, v.v. thì Nghị định 152 yêu cầu NLĐ đó phải được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục, thay vì chỉ 12 tháng như Nghị định 11;
- Đối với NLĐ nước ngoài là chuyên gia mà không có bằng đại học hoặc tương đương trở lên thì phải có 05 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Đánh giá một cách tổng thể thì Nghị định 152 đã nâng cao yêu cầu về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đối với NLĐ để được phép tham gia thị trường lao động tại Việt Nam, đồng thời bổ sung thêm các yêu cầu về kinh nghiệm làm việc mà không cần có bằng cấp, cho phép lao động nước ngoài có nhiều khả năng được lao động tại Việt Nam hơn.
3. Mở rộng đối tượng NLĐ nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ
So với Nghị định 11, Nghị định 152 đã bổ sung một số đối tượng không thuộc diện xin cấp GPLĐ như sau:
- Chủ sở hữu/ thành viên góp vốn của công ty TNHH (tại Việt Nam) hoặc chủ tịch/ thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần (tại Việt Nam), mà có giá trị góp vốn của mỗi công ty từ 3 tỷ đồng trở lên. Quy định này được đưa ra nhằm tránh việc nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp dưới mô hình công ty TNHH tại Việt Nam với số vốn điều lệ rất thấp hoặc mua một lượng nhỏ cổ phần để được miễn GPLĐ.
- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại. Quy định này là phù hợp vì trên thực tế quá trình thành lập các hiện diện thương mại thường sẽ mất nhiều thời gian bởi thủ tục hành chính, thuê mặt bằng, xây dựng trụ sở, thuê lao động, v.v.
Từ những phân tích cơ bản trên đây, có thể thấy Chính phủ đã nhanh chóng nhận thức những thiếu sót trong các quy định pháp luật điều chỉnh việc cấp GPLĐ cho NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cũng như việc NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và bổ sung, hoàn thiện trong Nghị định 152, qua đó góp phần tạo sự minh bạch, dễ dàng cho NLĐ nước ngoài để có thể làm việc tại Việt Nam, khuyến khích lao động các quốc gia khác đến Việt Nam sống và làm việc, tiến tới thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai.